Press

MẶT NGU DU THÁI▪3: Lênh đênh chợ nổi Damnoen Saduak

Có rất nhiều chợ nổi ở Thái nhưng bên tour cho tụi tui đi cái chợ chuyên dành cho khách du lịch là Damnoen Saduak, cách Bang Kok hơn 100km thuộc tỉnh Ratchaburi. Tui chưa đi chợ nổi ở Việt Nam lần nào nên rất enjoy vụ đi chợ nổi đợt này. Lần đầu ra nước ngoài nên thấy cái gì cũng dzui cũng thích hết :))

Ở Bang Kok bạn sẽ thấy nhan nhản tour du lịch dạng combo được rao bán khắp nơi. Các tour này thường kết hợp luôn 2 đến vài địa điểm đi trong ngày và có gói half day hoặc full day cho mình lựa chọn.  Quanh quẩn cũng là chợ nổi với cưỡi voi hay vườn thú trại hổ cừu bum búm đủ thể loại. Và thể nào cũng sẽ có cái chợ nổi Damnoean Saduak chình ình trong đó. Mua những tour như vậy sẽ tiết kiệm hơn vì Thái Lan ăn uống thì rẻ chứ giá vé vào các điểm du lịch đắt lòi ra. Đợt này đi được công ty lo nên tui không nắm giá, nhưng coi sơ cái tour rẻ rẻ cũng 1000 bạt hơn rồi đó.

Thái Lan sở hữu một hệ thống kênh đào hoành tráng và rộng khắp, trở thành huyết mạch giao thông giữa các vùng. Đặc điểm này giúp việc giao thương của người dân thuận lợi hơn, cư dân sống dọc các kênh đào thường dùng thuyền như phương tiện giao thông chính trong sinh hoạt. Cũng bởi cuộc sống gắn chặt với sông nước mà đa phần người dân dựng nhà bên sông, di chuyển bằng ghe thuyền và chợ nổi trở thành hình thức họp chợ phổ biến của người Thái xưa ở vùng sông nước. Damnoean Saduak trong tiếng Thái nghĩa là “Chợ di chuyển thuận tiện” có lẽ vì vậy.

Hồi xưa xuống miền Tây chơi tui được chở đi bằng xuồng rất vui. Lần này vô chợ nổi thì được đi xuồng máy. Loại này chứa tối đa được 10 người, còn ghe chèo tay khoảng 6 người. Vừa kê đít ngồi xuống chưa kịp nóng chỗ cái thằng cha lái ghe đề pô phóng như tên lửa. Không biết mấy chiếc khác thế nào chứ chiếc bên tui như ma tốc độ nhập. Chạy ào ào phăng phăng, nước nôi bắn tung toé ra hai bên.

Từ bến thuyền xuất phát đi chợ nổi.  Tiền thuê rẻ hay mắc tuỳ khả năng deal giá nha.

Vùng này trồng nhiều dừa và xoài lắm


Khởi đầu hai bên mép con kênh khá hẹp chỉ rộng tầm năm mét chiều ngang. Thuyền xuôi dòng kênh qua những mảnh vườn hai bên bờ, có một ngôi trường rất rộng và một vài ngôi chùa không biết tên. Sau khi băng qua đoạn kênh nhỏ, thuyền tiến vào nhánh sông chính lớn hơn. Từ đây hai bên bờ bắt đầu xuất hiện những căn nhà gỗ rất xinh xắn.

Những ngôi nhà này quần tụ hình thành khu làng nổi trên sông.


Tui ước mơ có một căn nhà của riêng mình ở đây. Chiều mát ra hóng gió ăn hàng, buồn chán thì chèo thuyền qua nhà hàng xóm nhiều chiện. Cuộc sống thanh bình không bon chen thích thật :))


Damnoen Saduak là chợ nổi nổi tiếng và lâu đời nhất ở Bangkok. Các agency đa số cũng bán tour đi chợ nổi Damnoean Saduak là chính. Ngược lại, dân du lịch bụi lại đánh giá cao chợ nổi Amphawa hơn dù nó xếp sau Damnoen về quy mô lẫn danh tiếng.

Ngày xưa coi Running Man tập có Nichkhun thì tui rắp tâm sau này qua Thái sẽ đi chợ nổi Pattaya. Không phải mê trai đẹp, mê cái chợ thôi. Nhưng đúng là đi rồi mới thấy Damnoen Saduak không vui bằng đâu.

Căn nhà mang hơi hướng truyền thống Thái Lan


Một số nhà treo đầy bình nhựa đựng xăng trước cửa. Chắc địa điểm tiếp xăng giống trạm xăng trên đất liền.


Khu chợ nổi nằm trong vùng đất nổi tiếng trồng cây ăn quả của tỉnh Ratchaburi. Hai bên bờ kênh toàn là vườn cây ăn trái.  Xoài, chuối lúc lỉu trĩu quả, cây cối xanh um toả bóng mát. Cảnh miệt vườn và sông rạch mát rượi khiến tui cảm thấy như mình đang dạo qua một vùng đất nào đó ở miền Tây Nam Bộ Việt Nam chứ không phải Thái Lan.


Vài căn nhà cửa đóng im ỉm, thưa thớt người đang giặt giũ và phơi áo quần trước sân. Những bồn hoa rực rỡ trước hiên nhà, hoặc treo mình nơi bậu cửa sổ, hoặc nở rộ nhuộm sắc cả một góc sân... Phong cảnh tản mác một không khí thanh bình khiến lòng người nhẹ nhõm.

Giậu hoa trước hiên nhà ai....

Cảnh sinh hoạt của người dân vùng sông nước


Từ giây phút leo lên chiếc xuồng đó ngồi là tui biết thằng cha lái tàu không được bình thường rồi mà. Tui đang dần thích nghi với tốc độ lư hương của chả thì chả lại lên cơn, tự nhiên nổi điên tăng tốc chơi rượt đuổi với chiếc kế bên dzị đó. Rượt qua đuổi lại một hồi tới ngã ba trước mặt đâu ra thêm chiếc nữa lao thẳng ra.....

Trời ... đụ móaaaaa  !!! .

Thằng cha mặt tỉnh bơ đánh lái một cái, nhẹ nhàng ôm cua rồi chạy phăng phăng, bỏ lại hai chiếc kia còn đang kẹt lại ở sau.

Hết hồn chim én...

Do hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo nên một mạng lưới giao thông tấp nập thuyền qua lại


Damnoen Saduak nổi tiếng đến nỗi từng được chọn làm bối cảnh trong loạt phim James Bond cách đây 30 năm, The Man with the Golden Gun và sau này là một phim của tài tử Nicholas Cage, Dangerous Bangkok. Chú Giăm Bông già rồi tui hông khoái nhưng anh đẹp chai Nicholas thì tui thích. Ai rãnh lên mạng kiếm lại phân cảnh  quay ở đây xem chơi. 

Đã đến nơi.


Chợ nổi nằm giữa một đoạn kênh nhỏ, hai bên bờ là chợ xây lợp mái tôn. Hầu hết các sạp hàng nằm trong khu vực đều được phân lô, sắp xếp trật tự và quy củ. Càng tiến gần vào cổng chợ, thuyền bè càng tấp nập đông zui.

Địa điểm cập bến từ trên dòm xuống.

Đi  đâu cũng thấy có rất nhiều miếu thờ ven đường, đặc biệt là hình đức vua treo ở khắp nơi.

Ngoài đường thuỷ cũng có thể đi đường bộ để vô chợ nha. Lát sau về tui ra ngõ khác có xe đợi sẵn chở đi chứ không đi thuyền ngược trở ra nữa. Đã mang tiếng đi chợ nổi thì nên trải nghiệm cảm giác lênh đênh sông nước cho biết với người ta.


Ăn ăn ăn riết banh cái mặt



Cây cầu bắc ngang hai bờ kênh. Đứng từ góc độ này sẽ nhìn được bao quát toàn cảnh bên dưới. Địa thế đẹp nên rất đông, đứng chờ chụp hình dài mỏ.

 Phòng thiết kế nè

Hàng loạt ghe thuyền bán đồ ăn chở theo những nồi nước lèo sôi sục dập dành trên sông nước. Bán đủ món từ ăn chơi đến ăn no, từ món mặn tới món ngọt, từ đồ khô tới đồ nước.

Quành tráng hơn có bác ôm luôn bình gas chục ký lên thuyền. Khiếp chưa.


Tưởng trong thành phố mới kẹt xe hả, chợ nổi vẫn kẹt ghe như thường nha. Do dòng kênh hẹp nên ghe thuyền thường xuyên phải len lỏi mới di chuyển được. Những người chèo thuyền phải rất khéo léo để đưa thuyền luồn lách qua nhau nhanh chóng.



Tiếng động cơ phành phạch, tiếng sóng vỗ dập dềnh, tiếng dầm khua nước miên man hòa vào tiếng chào hỏi, tiếng nói cười tạo ra bầu không khí vừa nhộn nhịp vừa rộn ràng. 

Tui vẫn còn nhớ bà cô áo xanh này. Bao hài hước luôn.


Dù chưa đủ để tạo nên đặc trưng văn hóa sông nước riêng biệt nhưng chợ nổi Damnoen Saduak có đủ mọi thứ để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Từ hàng thủ công mỹ nghệ đến nông sản, trái cây, gia vị, hoa hoè đến massage cổ truyền.

Ăn chơi, mua sắm kết hợp đặc trưng văn hoá chính là cách người Thái làm du lịch đó.



Tui nhìn thấy cái nón lá nè


Khu chợ xây hai bên bờ kênh hàng hoá đa dạng hơn. Bán đủ thứ từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ thủ công tới gia vị hành tỏi ớt tùm lum tá lả... Hôm sau có nguyên một ngày để shopping nên tui không có hứng thú ngắm nghía, chỉ tập trung đi kiếm đồ ăn thôi.

Trực tiếp chiên xào nấu nướng trên ghe gỗ luôn.


Để đưa đồ ăn cho khách, người ta sẽ đặt món đó vô một cái rổ nối với một đoạn cây dài chuyền lên trên. Mình sẽ bỏ tiền vô lại cái rổ đó cho người ta.  Hàng nào đông còn có người đứng sẵn trên bờ phụ bán và thu tiền giùm. 

Ngồi lê la xó chợ cho nó thoải mái tự nhiên

...hay chui vô đây cho nó lịch sự. Finish first pay after, ăn xong mới trả tiền. 

Món chuối nướng này gọi là Kluay Ping (กล้วยปิ้ง)

Chuối nướng nhìn đơn giản bình dị nhưng ăn vô một miếng là hú hồn. Do nướng trên than nên chuối dẻo và có vị ngọt bùi, rất thơm. Nhúng vào nước đường thốt nốt thắng keo càng thêm đỉnh.

Ăn nhiều quá không nhớ mình ăn gì luôn. Đi qua đi lại cứ hễ gặp mấy người trong công ty là được nhét một mớ đồ ăn vô mỏ. Thật hạnh phúc. Ai thấy mặt mình cũng chia đồ ăn cho.


Để ý thấy đa số hàng quán ở đây đều treo ảnh bà nào đó gọi là Madam Paew. Mặt bả xuất hiện khắp nơi trong chợ. Nghe đồn là chủ sạp hàng, quán ăn, kiêm chủ dịch vụ thuyền luôn. Hàng hoá ở mấy sạp có tên bả được niêm yết giá cố định rõ ràng hơn những hàng khác.

Bạn ăn chung uống chung thân thiết của tui.

Khác với chợ nổi ở Việt Nam chỉ họp trên vùng sông nước rộng lớn, đa phần chợ nổi ở Thái đều hình thành trên những con kênh dẫn nước từ sông Mê kông. Để đánh giá về Damoen Saduak thì tui thấy không qúa đặc sắc, vì thật ra nó chỉ là một mô hình chợ nổi được bê tông hóa dù ra đời từ năm 1967. Đem quy mô ra so sánh với chợ nổi Cái Răng bên mình thì càng khập khiễng hơn.

Vấn đề ở đây không phải tui đang chê bai gì mà là nhìn nhận cách người Thái làm du lịch. Nhạy bén và sáng tạo.



Chợ cho khách du lịch và gần khu dân cư mà ý thức giữ gìn vệ sinh cực kỳ tốt 


Thời xa xưa do địa hình nhiều kênh rạch đan xen cùng cộng đồng dân cư sống trên vùng sông nước dẫn đến sự ra đời của hàng loạt chợ nổi, đặc biệt ở lưu vực sông Chao Phraya. Hình thức chợ này đạt cực thịnh vào thời kỳ Ayutthaya, trải qua hàng thế kỷ đến tận thời kỳ Rattanakosin vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên cùng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, mạng lưới đường bộ và đường sắt được đưa vào hoạt động. Hệ lụy là các chợ nổi bị buộc chuyển lên mặt đất, một số được cải tạo và một số bị dẹp luôn. Để bảo tồn văn hóa không gì bằng kinh doanh du lịch. Và ở mảng này các bạn Thái làm rất tốt.

Chúng ta sẽ được nghe quảng cáo rằng chợ này cổ nhất Thái nè, chợ kia có từ thời xa lắc. Nhưng sự thật là hầu hết đều được tái dựng và đưa và hoạt động sau này. Không phải món ăn chính trong thực đơn du lịch Thái nhưng chợ nổi lại là món ăn lạ với khách nước ngoài.

Khác với cách làm du lịch ở nhiều địa phương xứ mình còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, du lịch sông nước Thái Lan là một hệ thống bài bản. Ngoài yếu tố cung cấp dịch vụ dựa vào đời sống xã hội, thắng cảnh, văn hóa địa phương, nó còn chứa đựng tầm nhìn sâu xa hơn. Đó là bảo tồn văn hóa kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái, điều chỉnh tốc độ dòng chảy và phát triển kinh tế dọc bờ sông.

Chợ nhân tạo thôi mà thu tiền cắt cổ. Về Việt Nam cho lành

No comments:

Post a Comment

[/toggle]