Press

MẶT NGU DU THÁI▪5: Chiều buồn trên cầu sông Kwai

Thật khó để nói về Kanchanaburi khi chỉ dừng chân ở đây trong ít giờ. Khác với vẻ phồn hoa rực rỡ của Bang Kok, thành phố này mang một vẻ đẹp thanh bình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, bầu không khí trong lành, thoáng đãng. Nhưng đâu đó vẫn thoáng nét trầm buồn, như để nhắc nhở về nỗi đau quá khứ mãi nằm lại...

Nếu không có Chiến tranh Thế giới thứ hai thì Kanchanaburi vẫn chỉ là một tỉnh biên giới hẻo lánh ở Thái Lan.

Là thành phố lớn thứ ba Thái Lan sau Bang Kok và Chiang Mai, tỉnh lỵ cùng tên Kanchanaburi nằm ở miền tây Thái sát biên giới Myanmar, cách Bang Kok hai giờ đi xe. Nhờ địa hình thung lũng rộng lớn bao quanh bởi rừng nguyên sinh và đồi núi, Kanchanaburi sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm. Có vô số thứ để khám phá, từ những khu rừng rậm với nhiều thảm động thực vật đa dạng chủng loại, công viên quốc gia, làng nghề thủ công truyền thống bên ngã ba sông đến những thác nước hùng vĩ và hàng trăm hang động trải dài khắp địa phận tỉnh. Kanchanaburi thực sự mang một nét đẹp hoành tráng bởi sở hữu những ngọn núi và thung lũng vô cùng kỳ vĩ. Ngôi đền Hổ mà tui từng nhắc đến đợt trước cũng là một địa điểm vô cùng nổi tiếng nằm trong khu rừng rậm phía Tây.

Nhưng Kanchanaburi còn có một khía cạnh khác để nhìn nhận...

Thành phố từng bị người Nhật chiếm đóng và là điểm khởi đầu cho hệ thống đường sắt nối Thái Lan với Burma (tên gọi Myanmar cũ). Hàng trăm ngàn người đã ngã xuống để thực hiện dự án trong vỏn vẹn chưa đến một năm rưỡi. Vậy nên, dù sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời nhưng thiếu đi câu chuyện về Tuyến đường sắt tử thần và Cầu sông Kwai, Kanchanaburi sẽ không thể thu hút như thế.

- TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ BẢO TÀNG ĐƯỜNG SẮT TỬ THẦN - 

Trước khi đặt chân lên cây cầu nổi tiếng, cả đoàn được đưa đến Bảo tàng Đường sắt tử thần để tham quan. Mặc dù bề ngoài chỉ là khối nhà hai tầng bình thường nhưng đây là một trong ba bảo tàng lớn nhất Kanchanaburi, hai cái còn lại là Bảo tàng Chiến tranh JEATH và Bảo tàng Tưởng niệm Đèo Hỏa ngục. Chỗ này nằm đối diện với Nghĩa trang chiến tranh Kanchanburi trên đường Jaokunnen, bước ba bước qua tới nơi. 

Bảo tàng tư nhân ra đời vào năm 2003 sau nhiều năm nghiên cứu về ngành đường sắt của một cựu binh Úc. Rod Beattie, chủ nhân của trung tâm này dành cả đời mình để theo đuổi lịch sử và bảo quản tất cả mọi thứ liên quan đến Đường sắt Tử thần, bao gồm cả những vật dụng cá nhân của các cựu tù nhân như ví tiền và nhật ký... Một phần thu nhập của bảo tàng được dành để phát triển cơ sở dữ liệu về các nạn nhân quân Đồng Minh và nghiên cứu địa lý tuyến đường sắt. Hiện tại, ông là người trông nom các nghĩa trang thuộc Ủy ban quản lý mộ phần liệt sỹ khối Thịnh vượng chung (CWGC), giúp xác định hài cốt và điều hành trung tâm nghiên cứu do chính mình thành lập. 

Còn khoảng hơn một tiếng là bảo tàng đóng cửa nên tụi tui là đoàn cuối cùng trong ngày đến đây 


"Đường sắt Tử thần" là cách người ta gọi tuyển đường này bắt nguồn từ nỗi ám ảnh trước cái chết, bệnh tật, tra tấn, điều kiện khắc nghiệt trong qúa khứ.

Đây chỉ là một trong số vài bảo tàng ở Kanchanaburi về tuyến đường sắt, nhưng được đánh giá sở hữu nguồn tư liệu đầy đủ nhất. 


Từ cửa chính vào là nơi bày bán các vật phẩm lưu niệm. Bên trong mới là khu vực trưng bày hiện vật và tư liệu, phim ảnh. Hai khu này ở tầng trệt còn một phần tầng trên dành cho việc nghiên cứu. Vé vào cửa cho người lớn 140 baht kèm theo một phần cà phê miễn phí.

Thanh tà vẹt ở lối vào ( Ảnh: stickmanweebly by BkkSteve)

Muốn vào bên trong bảo tàng phải đi qua một lối nhỏ mà phần trần bên trên đặt một giàn giả cố định, được tạo thành từ các thanh tà vẹt gỗ xếp đan xen mô phỏng lại một đoạn đường ray xe lửa. Góc độ khi nhìn từ dưới lên mô phỏng tầm nhìn của các nhân công khi lao động ngày xưa.

Mặc dù diện tích khiêm tốn nhưng phân bổ các khu chức năng khá đầy đủ. Khu thông tin với dãy phông nền đồ họa lắp đặt xen kẽ đưa người xem ngược dòng lịch sử. Từng mốc thời gian dàn trải từ khi khởi công, hoàn thành, hoạt động đến khi bị phá hủy. Nhiều hình ảnh và tư liệu tóm tắt khái quát về bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và nguyên nhân phía sau việc xây dựng tuyến đường sắt đến các khía cạnh kỹ thuật như cách thi công và những khó khăn không tưởng tượng nổi để hoàn thành con đường.

Bảo tàng cung cấp một lượng lớn thông tin về công cuộc xây dựng đường sắt nối Xiêm - Miến Điện và lực lượng nhân lực đa quốc gia. Hai lực lượng lao động chủ yếu là công nhân làm thuê và tù binh chiến tranh phương Tây dưới chế độ phát xít Nhật. Họ đến từ Úc, Anh,Mỹ, Hà Lan lẫn các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Một biểu đồ về số lượng tù binh khổ sai đã hy sinh nằm lặng lẽ trong một góc phòng trưng bày. Máu thịt của biết bao người vô tội qua năm tháng chỉ còn biểu hiện bằng những cột số thống kê vô tri.

Vậy mà Tuyến đường sắt này chỉ là một trong số rất nhiều tàn dư mà Thế chiến thứ hai để lại.

Mô hình thu nhỏ một tuyến đường sắt và cách thức các thanh đinh cố định tà vẹt đường ray
( Ảnh: stickmanweebly by BkkSteve) 

Mỗi một đinh ốc tượng trưng cho cái chết của 500 người

Đoạn đường sắt trong thực tế có tổng chiều dài hơn 400km, có đoạn phải xẻ núi để thông đường (mà sau này được gọi là Đèo hỏa ngục). Những cây cầu gỗ cao hàng chục mét vươn lên từ vực sâu vẫn sừng sững cho tới ngày nay như một minh chứng cho sức chịu đựng mạnh mẽ của con người.

Mô hình thu nhỏ các trại tập trung xung quanh công trường xây dựng (góc trên bên trái)

Những hiện vật khai quật từ các trại tù binh được tạo tác và lưu giữ cẩn thận. Những vật dụng cá nhân hàng ngày của công nhân, quân trang, cả những vật nhỏ bé như con đinh ốc được gỡ từ đường ray đến những thanh tà vẹt ra đời từ xưởng cơ khí của quân Nhật... Mọi thứ đều là chứng tích sống động từ quá khứ.

"Two malarias with a cholera", điêu khắc dựa trên bức tranh nổi tiếng của cựu binh Úc Ray Parkin ( Ảnh: stickmanweebly by BkkSteve). Phía sau bức tượng là gian trình chiếu các đoạn phim tư liệu với dãy ghế ngồi gỗ, vách nứa. 

Tui đứng chôn chân trước mô hình phục dựng nơi tập trung các trại tù binh. Địa thế hiểm trở, núi non, sông ngòi, những lán trại dang dở và bẩn thỉu... đều được tạo tác vô cùng tỉ mỉ. Gần đó là tác phẩm điêu khắc nổi tiếng phác họa cảnh hai bệnh nhân sốt rét đang dìu một người chết vì bệnh dịch tả. Màu đen ánh trên thân tượng phả ra một tia chết chóc qủy dị. 

Điều kiện y tế, thuốc men vô cùng thiếu thốn
Các cảnh dựng tái hiện một phần cuộc sống hàng ngày trong các trại tù binh, điều kiện sống khắc nghiệt, cả sự đấu tranh mưu cầu sinh tồn trong suốt quá trình xây dựng tuyến đường sắt.

Bối cảnh mô tả bên trong một chuyến xe vận chuyển tù nhân chiến tranh từ các trai tập trung
đến công trường xây dựng tuyến đường sắt. ( Ảnh: stickmanweebly by BkkSteve)

Những tấm thân gầy gò phơi hàng giờ trong ánh nắng như thiêu như đốt miền nhiệt đới. Họ làm việc không ngừng nghỉ suốt hai mươi bốn tiếng một ngày, nghỉ ngơi là nhu cầu vô cùng rất xa xỉ. Khó có thể tin được đây là những người xây nên tuyến đường sắt dài hơn hàng trăm km xuyên qua vùng địa thế hiểm trở của Thái Lan và Myanmar, cùng hàng chục chiếc cầu khác để vượt ghềnh thác qua sông.

Bảo tàng nhìn từ phía nghĩa trang

Dù Nhật Bản cố gắng phủ nhận nhưng lịch sử vẫn luôn ghi nhớ những tội ác thời Thế chiến II của quân phát xít Nhật. Toàn bộ bảo tàng và trung tâm nghiên cứu đều dành cho việc chia sẻ sự thật vốn có như nó đã từng tồn tại trong suốt những năm tháng ấy. Chiến tranh chưa bao giờ là điều tốt đẹp và đó hẳn là một hành trình không hề đơn giản đối với chủ nhân của bảo tàng, khi có gần 3000 đồng hương của ông đã bỏ mạng trên con đường sắt tử thần. 

P/S: Các hình ảnh phía bên trong bảo tàng được trích từ stickmanweebly.com. Vì yêu cầu không được chụp ảnh và quay phim nên trang web là nơi duy nhất có ảnh chụp bên trong.
1 2 3

No comments:

Post a Comment

[/toggle]