Press

DẮT MẸ ĐI CHƠI▪1 : Kiếm long mạch ở Sơn Đừng

Quen nhau mấy năm, đi chơi chung cũng vài chuyến, tự nhiên bà chị nổi hứng đòi rủ phụ huynh theo. Hơi bất ngờ chút xíu nhưng thôi có mấy khi mẹ con đi cùng nhau đâu. Gọi điện hỏi các bà mẹ ai cũng chịu liền. Thế là nhân dịp mùa xuân hai không mười sáu về trên khắp đất nước, mẹ con tụi tui đã có chuyến nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm vô cùng mỹ mãn.


Căn bản đi chơi với phụ huynh phải đảm bảo an toàn là chính. Mấy bà nội trợ như má tui có trăm mối nghi ngờ trong đầu, soi đâu cũng ra nguy hiểm, nhìn thằng nào lạ cũng thấy mặt mũi gian gian. Nên an toàn PHẢI được ưu tiên số một. Còn lại chỉ cần nơi ăn chỗ ở sạch sẽ là ô kê, đi đâu không care lắm, miễn xôm tụ đông zui là khoái. Cho lên đảo khỉ ở chắc cũng hồ hởi như thường. Dễ tính là vậy nhưng để kiếm ra một nơi yên tĩnh giữa cái đất Nha Trang đông nghẹt khách du lịch lại nhằm ngay mùa tết lại là vấn đề khác. Tụi tui dân bản địa nên quá rành mấy khu du lịch kiểu tắm bùn với biển đảo rồi. Lễ Tết nhào vô mấy chỗ đó chỉ có đánh lộn giựt chỗ thôi chứ chơi bời gì. Cuối cùng cả đám quyết định chọn Hòn Ông, một đảo tư nhân cách Nha Trang 100km. Nói về riêng chỗ này phải dành qua entry sau, còn hôm nay chỉ tám chuyện linh tinh bonus thêm khung cảnh Sơn Đừng, một địa điểm trên đường đi nhé.

Nói thêm lần nữa. Tui viết blog để làm kỷ niệm sau này có cái cho con cháu đọc, cho những người bạn đi chơi chung có chỗ để ôn chuyện. Tại tui biết nếu tui hông ngồi type ra sẽ chả có đứa bạn nào của tui rãnh zậy hết. Đây là lần đầu tiên sau vài bận tự xách ba lô đi thì cả đám đèo bồng thêm các mẹ nè. Với tụi tui đó là một kỷ niệm quý giá 

Đợt này đi tổng cộng có 9 người. Chị Hương ở Hà Nội, chị Thủy ở Sài Gòn, 4 đứa + 3 phụ huynh. Ngoài mẹ của con Vân chưa ai gặp ra thì mấy bà kia qúa rành mặt nhau roài. Dù gì cũng đi họp phụ huynh cho tụi tui suốt bảy năm chứ ít gì. Mẹ tui với mẹ con Xíu còn khủng khiếp hơn do hai đứa học chung lớp từ tiểu học lên cấp 3. Ngày xưa mỗi lần đi họp hai bà hay ngồi gần nhau, tám quên trời đất, nhiều khi còn bị giáo viên nhắc nhở haha. Nhưng đợt này mẹ Xíu không đi được vì phải trông cháu. Cũng tiếc, không là đoàn chẵn 10 người rồi.

Chuyện xe cộ.

Chốt địa điểm, số lượng, ngày giờ xong xuôi lại đến một vấn đề đau đầu khác. Nói đến xe cộ ngày lễ là não mề. Không thể chở mấy bà bằng xe máy chạy cả trăm cây số được, chỉ có bao xe riêng kèm xế lái thì mới yên tâm. Tụi tui đi ngay mùng 4 Tết vừa kiếm xe đi chơi vừa canh vé xe Nha Trang - SG cho hai bà chị mệt tim thấy mịa. Vụ này tui hem có lo mà Thủy với Xíu ôm nên con tim tui vẫn khỏe mạnh lớm. Thêm nữa là nghỉ tết tới 9 ngày, dân tình kéo nhau đi chơi đông như ong vỡ tổ đẩy giá dịch vụ tăng chóng mặt. Gọi mấy chỗ thuê xe mà chỗ nào cũng báo giá trên 3 triệu rưỡi hết trơn, có mẹ ảo tưởng sức mạnh hét 4 triệu mấy 5 triệu mới sợ. Chời má... Biết là đi trúng mùa chặt chém rồi nhưng các bác kinh doanh thất đức quá. Vé đã mua khách sạn đã book xong xuôi. Thây kệ. Ngày vẫn ăn bốn bữa tối vẫn ngủ phà phà. Không có cách này thì có cách khác không mắc gì phải thỏa hiệp với mấy đứa đục nước béo cò hết. Không có xe 4 bánh thì kiếm xe bò xe lam xe ngựa cho lạ, bất quá đường cùng tự chạy xe máy luôn. Nói vại thôi chứ con Ý heo nó vừa say xe vừa không thể sống thiếu máy lạnh nên vẫn chủ trương kiếm xe riêng cho nó hehe. May mắn phút cuối nhờ dượng của Xíu mà cả đám thuê được một chiếc 16 chỗ với giá 2 triệu 3. Xe của khách sạn Mường Thanh hẳn hoi. Tài xế thì cực dễ thương vui tính.

Tụi tao mãi ghi công mày Xíu ơi  

Con Ý ù mừng rỡ bên chiếc xe có điều hòa

Ngoài cách đi xe máy và taxi còn có dịch vụ đón đưa tận giường dành cho khách ở resort. Tui bái bai taxi vì tết nhất gọi mấy bác vừa phiền vừa đắt. Xe của resort thì tiện qúa rồi nhưng do muốn ghé vài chỗ trên đường nên tụi tui tự thuê xe là vậy. Còn trẻ khỏe cứ vít xe máy đi cho sướng. Đường vào vịnh Vân Phong đẹp lắm lắm mỗi tội nắng thấy pà nội. Đứa nào cũng căm thù ánh nắng như kẻ thù giết cha nên đi xe máy hả... Thôi bỏ. 


Hòn Ông là một đảo nhỏ nằm trong vùng vịnh Vân Phong. Cảnh sắc hoang sơ ở vùng vịnh này phải nói là thuộc hàng siêu đẹp, nhất là khi bàn tay du lịch vẫn chưa chạm tới. Đảo Điệp Sơn nơi có con đường xuyên biển một thời rầm rộ trên mạng cũng nằm trong khu vực này nè. Để tới Hòn Ông thì từ Nha Trang phải chạy xe ra Vạn Gĩa rồi chạy tiếp tới cảng Đầm Môn sẽ có tàu ra đón khách. Tàu của resort chuyến sớm nhất là 11h trưa nên tụi tui tranh thủ ăn sáng sớm rồi nhờ bác tài chở qua bãi Sơn Đừng chơi. Bạn nào đi Cực Đông Mũi Đôi rồi sẽ biết cảng Đầm Môn nhưng Sơn Đừng (hay Xuân Đừng) thì nghe hơi lạ. Tui cũng thấy lạ. Do Thủy đòi đi thôi, dù sao cũng tiện đường, nên đi cho biết. 

Chuyện là Thủy đọc đâu trên mạng truyền thuyết như vầy. Tương truyền ngày xưa khi vua Gia Long trên đường trốn chạy quân Tây Sơn từng dạt vào vùng biển này. Lênh đênh trên biển lâu ngày, lương thực nước ngọt dần cạn kiệt làm tâm sinh lý anh em binh sĩ bất ổn. Để trấn an lòng quân, vua cho thuyền neo lại cái bãi mà ngày nay là bãi Sơn Đừng đó. Ông hạ lệnh đào hố sát mép biển. Một dòng nước ngọt tinh khiết dâng lên trong sự á ố bất ngờ của đám thuộc hạ. Không ai giải thích được vì sao ông biết ngay vị trí đó có mạch nước ngầm. Còn tui chỉ có thể hiểu là, với thành tích ăn may phút 89 của Nguyễn Ánh trong sử sách thì ổng chỉ đại chỗ nào cũng ra nước thôi. (Đừng đứa nào hỏi tao Gia Long với Nguyễn Ánh có quan hệ gì với nhau nhá ). Đến ngày nay thì Sơn Đừng là một trong vài nơi ít ỏi ở Việt Nam có nguồn nước ngọt qúy hiếm ngay trên bờ biển, Phú Quốc với chỗ gì đó quên pà nó mất tên.

Miếu thờ vua Gia Long đằng xa xa bên phải

Đường đi ra Đầm Môn hông có bóng nhà cao tầng nên bầu trời rộng thoai thoải, nhìn rất cao và trong xanh, mây trắng trôi bồng bềnh. Một bên là triền cát trắng phau nối tiếp trập trùng, một bên là biển trời xanh thăm thẳm. Ngồi trong xe có máy lạnh ngắm cảnh thích lắm. Ai kêu cưỡi xe máy chạy dưới cái nắng này là tui giếtttt đứa đó ngay.

Xe chạy như ăn cướp, ngồi ở trỏng đừng mơ chụp được tấm nào ra hồn. Xin tấm ảnh trên mạng cho bà con chiêm ngưỡng cảnh đẹp của nó.


Đẹp phải không? Trên đường đi ngang nhiều ruộng muối cũng đẹp lắm~

Đợt này đi không đem theo máy ảnh là sai lầm hic hic... Hình chụp bằng điện thoại cùi mía không thể đặc tả hết cảnh sắc nơi này được.

Giả bộ ra đứng giữa đường là có cái bìa sách ăn theo liền. "Xách bao lên và đi - Đừng khóc ở trong chăn" -  tác giả Quân huyền (Quần) Chíp.

Tới bãi Ông Nghi xe dừng thả cả đám xuống đi bộ. Hiện tại chỉ có duy nhất một con đường dẫn thẳng ra biển là cái dốc đất đỏ gần bãi đỗ xe. Muốn vào làng cũng chỉ có thể chân trần đi trên cát. Nghe đâu ngày xưa còn không có đường sá gì hết, người dân phải đi vòng đường biển hoặc lội bộ xuyên đồi cát mới vô tới nơi. Bởi vậy mà suốt một thời gian dài Sơn Đừng bị gọi là làng Robinson do bị cô lập về giao thông. Mãi sau này nhờ khởi động dự án cảng nước sâu nên người ta mở con đường nhựa nối với đất liền. Rồi lại một thời gian dự án bị treo vô thời hạn. 




Tranh thủ bà con đang kiếm chỗ ăn tui chạy đi ngắm cảnh. Có con Ý ù cũng mất nết y chang nên bỏ má chạy đi chơi chung nè.

Con quỹ phá tấm ảnh sâu đíp của tao

Xua được con ám quẻ đi rầu, quất một tấm solo nào...

Nguyên con heo nặng tạ rưỡi đu muốn trẹo cột sống

Nhiều khi thấy mình trẻ trâu dễ sợ

Dụ thêm được đứa tới chơi chung kaka

Mẹ tui

Thủy đang chăm chú đào hố
Dù mới quất nguyên tô bún cá chà bá lửa cách đó hai tiếng, cả đám vẫn tiếp tục kiếm chỗ ăn. Bãi tắm có chút xíu hơn trăm mét mà hết ba bốn tiệm hải sản bự hết hồn, quán nào cũng trống trơn không bóng khách. Sau một hồi tra khảo ku nhân viên giá cả tôm cá hôm nay thế nào, nguyên đoàn kéo vô cái quán tên Tu Bông ngồi. Vừa kê đít xuống ghế thằng ông nội nhân viên chạy ra đuối qua bàn khác. Mẹ... Nghĩ sao cả cái tiệm gần trăm mét vuông không một bóng ma, nó đẩy mình vào cái bàn trong góc cho nắng phang thẳng zô bản mặt. Đách hiểu thằng này nó nghĩ gì luôn. Bỏ qua quán khác, trúng ngay ổ chặt chém.

Roài, xong, dẹp luôn vụ ăn uống ở đây cho rãnh nợ. Tạm biệt Tu Bông ân hận quán, mấy chị đi kiếm mạch nước ngọt trong truyền thuyết đây.

Đi dọc bãi biển mà cứ bán tín bán nghi. Thủy ngắm đại một chỗ cách mép biển 1 mét rồi đào đào. Hổng cóa nước. Tiếp tục đào rồi đào, tự nhiên có nguồn nước chảy ra thiệt bây ơi. Đào tiếp, nước chảy ra từ từ ngập được nửa cái hố. Mấy chục con mắt nín thở nhìn Thủy liếm thử. Lỡ bả lăn ra sùi bọt mép là khiêng lên xe chở đi liền. Mà tụi tui không có cơ hội khiêng bả, tại nước ngọt thiệt. Nguyên đám bu vô chấm chấm mút mút rồi rú rít như điên. He he nước ngọt chăm phần chăm luôn. Không hề bị lẫn vị mặn hay lờ lợ trong khi cách đó chút xíu nước biển vẫn mặn chát.

Công nhận dân Việt Nam hay ghê dzị đó. Nguyên buổi hông ai chơi, tụi tui zừa đào xong cái đâu ra mấy đứa quần chúng chạy lại làm y chang, còn xách chai lọ theo hứng nước nữa chớ.

Dziệt Nam ăn hôi là đây 

Đợi cho lắng bớt tạp chất mới uống được

Nước ngọt ... Mặt tươi rói luôn

Với cư dân sống ven biển lại ở vùng hoang sơ tách biệt thì nước ngọt rất khan hiếm. Theo các nhà địa chất học, vùng này có nhiều mạch nước ngầm từ núi chảy xuống và nằm ngay trên bãi cát sát mép biển. Kỳ lạ ở chỗ dù núi đồi không rộng, không có rừng già giữ nước nhưng quanh năm đều có nước ngọt. Người ta nói nhờ đặc điểm này mới có nhiều người đến đây. Nói vậy thấy thiệt thòi cho Sơn Đừng ghê. Vì thật sự bãi biển cảnh rất đẹp, đẹp như tranh sơn dầu luôn. Tàu thuyền neo đậu trên vịnh nằm rải rác nhìn rất hữu tình. Do nằm trong vịnh sâu kín gió được các đảo bao bọc theo hình vòng cung nên mặt biển êm ả như suối. Lội bộ ra xa xa mà nước chỉ lên tới nửa chân, vô cùng an toàn cho mấy đứa ngu bơi lội mà lặn giỏi nà. Thỉnh thoảng các bé sửu nhi còn vác thuyền thúng ra chèo nữa nhìn zui lắm.

Chưa lạm phát du lịch nên Sơn Đừng vẫn giữ được nét bình dị của một làng chài. Ngoài tắm biển roài phơi thây trên bãi cát ngắm cảnh ra chỉ còn mỗi vụ thuê ghe ra bè tôm vui vầy với thiên nhiên thoai. Dân tự phát làm du lịch là chính không ai quản lý nên chất lượng cũng vô chừng.



Hành trình đi khám phá long mạch của một đàn gái đã kết thúc chóng vánh. Giờ chuyển qua địa điểm kế tiếp, Hòn Ông hay còn gọi là Đảo cá voi. Tụi tui có một ngày một đêm trên đảo.

See you next post 

No comments:

Post a Comment

[/toggle]